
TẠI SAO VẢI MỀM, CO GIÃN, HAY DỆT TO LẠI LÀM NÉT THÊU SATIN KHÔNG ĐẸP?
Đặng Tuấn Khương
Thứ Ba,
11/03/2025
6 phút đọc
Nội dung bài viết
Chào bạn!
Bạn có để ý không, khi thêu logo hay chữ bằng mũi satin trên áo thun mềm, vải co giãn, hay vải thô dệt to, đường thêu thường không thẳng tắp mà lởm chởm như "răng cưa" hoặc bị lệch lung tung? Hôm nay, chúng tôi sẽ giải thích thật dễ hiểu để bạn biết tại sao nhé!
Mũi thêu satin là gì?
Mũi thêu satin là kiểu thêu mà máy dùng chỉ để "tô" kín một đường hoặc cột (như viền logo, chữ cái), làm nó mịn và bóng đẹp. Tưởng tượng bạn vẽ một đường thẳng bằng bút lông và tô kín – đường thêu satin cũng cần thẳng và đều như vậy.
Tại sao vải mềm, co giãn, hay dệt to làm nét thêu bị "răng cưa" hoặc lệch?
Hãy nghĩ thế này: Bạn vẽ một đường thẳng trên 3 thứ khác nhau:
- Trên tờ giấy cứng: Đường đẹp, thẳng tắp.
- Trên miếng cao su: Đường bị kéo lệch, lượn sóng.
- Trên tấm lưới: Đường gãy khúc, không liền mạch.
Thêu trên vải cũng giống như vậy! Và đây là những nguyên nhân chính:
- Vải mềm – không giữ được nét thêu
Vải mềm (như lụa, vải mỏng) giống tờ giấy mỏng. Khi máy thêu đâm kim xuống, vải bị lún hoặc xô lệch, làm mũi chỉ không nằm thẳng mà "trượt" qua lại.
- Vải co giãn – bị co kéo
Vải co giãn (như áo thun, polo) giống miếng cao su. Khi kim thêu, vải giãn ra, rồi co lại lúc thêu xong. Mũi chỉ bị kéo theo, không còn thẳng hàng nữa.
- Vải dệt đan to – có lỗ trống
Vải dệt thưa hoặc sợi to (như len đan, vải canvas) giống tấm lưới. Mũi chỉ thêu dễ rơi vào khoảng hở giữa các sợi vải, gây ra hiện tượng răng cưa.
Tiếp đến hãy cùng xem qua các trường hợp cùng một hình thêu (cùng kích thước, cùng thông số) nhưng được thêu trên các chất vải khác nhau thì kết quả thu được sẽ như thế nào nhé!
1. Thêu trên vải Kaki (không pha với các loại vải co giãn):
Vải Kaki là một loại vải dày dặn với đặc tính bền chắc, ít nhăn và giữ form tốt, bề mặt phẳng mịn, sợi dệt nhỏ. Nên có thể thấy các đường nét của hình thêu rất rõ ràng, đều, ngay ngắn, rất ít bị bung chỉ và không xảy ra tình trạng răng cưa. Hình thêu hoàn thiện sát với thiết kế file thêu 3D ban đầu.
2. Thêu trên vải Kate Oxford:
Kate Oxford là một loại vải dệt thoi có kết cấu đặc biệt. Loại vải này có bề mặt với các đường dệt dạng "rổ" đặc trưng, co giãn rất ít nhưng lại mềm hơn so với vải kaki. Do đó khi thêu mũi satin trên loại vải này, đường nét của hình thêu dù được thể hiện rõ ràng nhưng vẫn có hiện tượng bị răng cưa, xô lệch và bung chỉ nhẹ, dễ thấy ở các nét thêu mảnh.
3. Thêu trên vải Canvas:
Vải Canvas (vải bố) là một loại vải dệt trơn dưới dạng lưới thô, cứng. Sợi dệt của canvas thường to và dày hơn so với các loại vải thông thường khác, tạo nên bề mặt thô ráp đặc trưng. Nên dù có tính chất không co giãn, cứng cáp nhưng hình thêu hoàn thiện lại xuất hiện răng cưa, bị xô lệch, nhất là đối với các nét mảnh, do các mũi chỉ thêu dễ rơi vào khoảng hở giữa các sợi dệt.
4. Thêu trên vải Cotton Pique:
Vải Cotton Pique một loại vải dệt kim hoặc dệt thoi đặc biệt, có bề mặt nổi với các họa tiết dạng tổ ong hoặc vân chéo đặc trưng, có tính chất co giãn và độ đàn hồi nhất định. Nên khi thêu trên loại vải này, bề mặt sẽ dễ bị mất ổn định và dẫn đến tình trạng hình thêu bị xô lệch, đứt mảnh và răng cưa, biến dạng so với thiết kế file thêu 3D ban đầu, nhất là đối với các hình thêu có nét mảnh.
5. Thêu trên vải Cotton Pique dệt bo:
Chất vải Cotton Pique dệt bo có tính chất co giãn và độ đàn hồi cao, bề mặt không bằng phẳng với các đường gân dọc và khoảng hở giữa hai đường gân. Nên khi thêu trên loại vải này, bề mặt sẽ dễ bị mất ổn định và dẫn đến tình trạng hình thêu bị xô lệch, đứt mảnh và răng cưa, biến dạng so với thiết kế file thêu 3D ban đầu, nhất là đối với các hình thêu có nét mảnh.
6. Thêu trên vải Thun 100% Cotton:
Đây là loại vải được dệt từ 100% Cotton (sợi bông), có đặc tính mềm mại, co giãn tốt nhờ cấu trúc dệt kiểu đan mắt xích. Nên dù có bề mặt mịn nhưng lại khá dễ bị xô lệch trong quà trình thêu, dẫn đến các mũi thêu không bám đúng vị trí, tạo hiện tượng răng cưa, hình thêu cũng có sự biến dạng so với thiết kế file thêu 3D ban đầu.
Vậy làm sao để nét thêu được đẹp hơn?
- Dùng lớp lót: Chúng tôi sẽ thêm một lớp Mex bên dưới vải để giữ vải chắc hơn, giảm xô lệch và răng cưa.
- Chọn loại chất vải ít co giãn, dày dặn: Vải như Kaki, Kate Oxford sẽ cho đường thêu thẳng và đẹp nhất.
- Làm nét thêu dày hơn: Nếu bạn dùng vải mềm, co giãn, hay dệt to, chúng tôi khuyến nghị nên tăng độ dày nét thêu (ví dụ: từ 1.5mm lên 2mm) để giảm bớt tình trạng răng cưa lởm chởm.
Điều bạn cần hiểu!
Đường thêu satin không thẳng hay bị răng cưa trên vải mềm, co giãn, hay dệt to là do vải, không phải do máy thêu hỏng đâu nhé! Trước khi sản xuất, chúng tôi sẽ cho thêu thử và gửi cho bạn xem kết quả. Nếu hình thêu có vấn đề, chúng tôi sẽ đưa ra các giải pháp khắc phục và thống nhất với bạn.
Hy vọng sau khi xem qua hết bài viết này, bạn đã có thể hiểu rõ được vấn đề được đặt ra ở đầu bài! Nếu có vấn đề gì chưa rõ, hãy inbox cho chúng tôi để được giải đáp nhanh chóng và chính xác nhé!